Dép râu, ngày về - Dân Làm Báo

Dép râu, ngày về

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, hắn “được Cách Mạng khoan hồng nhân đạo tập trung để bảo vệ tính mạng cho, vì nếu để ở ngoài sẽ bị nhân dân trả thù”. Huyện Củng Sơn thuộc tỉnh Tuy Hòa là vùng hoạt động của “Cách Mạng” trước 75. Lúc mới “nhập môn” giữa vùng rừng núi này, mỗi lần đi ra ngoài “học tập lao động để sau này trở về không còn bóc lột như thời Mỹ Ngụy nữa, mà biết tự mình làm ra của cải vật chất hầu nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội”, hắn nơm nớp sợ đồng bào địa phương có tiếng là dân Cách Mạng, sẽ trả thù (thù gì thì hắn không biết), nếu họ bắt gặp và nhận ra hắn là “ngụy quân.”

Một hôm, trên đường đi “lao động là vinh quang” ngang qua khu chợ, có mấy người dân chạy theo đoàn tù binh. Hắn lo lo; đang lúc chuẩn bị tinh thần chịu trận “nhân dân trả thù” thì có người dí vào túi áo hắn gói thuốc lá Sông Cầu. Đó là một nhân dân hoàn toàn xa lạ. Hắn sửng sờ, chưa kịp nói lời cảm ơn thì người đàn bà ân nhân đã lách vội vào đám đông như tìm đường chạy trốn. Từ đó về sau, nhiều người trong đám tù và hắn lâu lâu lại được “nhân dân trả thù” như thế; khi cục đường mía, lúc miếng kẹo lạc. 

Lại một hôm, đám tù được thả lỏng phân tán mạnh ai nấy tự đi tìm... cỏ tranh để cắt (về lợp nhà). Hắn được một phụ nữ quần áo vá đùm vá đụp mặt hốc hác, chạy đến trước mặt, mắt dáo dác ngó trước ngó sau một vòng rồi dí vào tay cho cái bánh ú làm bằng bột củ sắn mì với nhân hột mít. Chị ta nói “Anh ăn cho đỡ đói. Bây giờ chúng tôi mới hiểu ra..., và thương các anh quá”

Không thấy “nhân dân trả thù” mà chỉ gặp nhân dân “thương các anh quá”, nhưng Cách Mạng vẫn nhất quyết tiếp tục “bảo vệ tính mạng cho Ngụy quân ngụy quyền, những kẻ có tội với nhân dân mà lấy hết trúc Trường Sơn làm bút, lấy sạch nước Biển Đồng làm mực cũng tả không xiết”. Tháng lại tháng. Năm qua năm. Đêm đêm nằm nêm cối đến ngộp thở trong những dãy nhà được bao bọc bởi nhiều lớp kẽm gai xen kẽ lớp xương rồng rồi lớp mìn bẩy, lớp hầm chông. Ngày ngày đi ra ngoài làm đủ thứ công việc của người tù khổ sai. Khi đi lẫn lúc về, đoàn tù binh phải dừng lại nơi cổng ra vào để lính gác đếm. Đi, đếm rất mau; về, vừa đếm vừa khám xét khắp người tù xem có lận theo trong túi áo thắt lưng con cóc con nhái, con rắn con rít, hay cọng rau nạm cỏ (như cỏ sam heo ăn được là tù ăn được)... gọi chung là những thứ “cải thiện linh tinh” bị cấm ngặt, nên trong khi chờ đợi, cứ phải ứa gan với cái bảng đỏ to tổ chảng trước mặt treo vắt ngang giữa hai cái lô cốt chằm chằm hai bên cửa ra vào, có hàng chữ màu vàng khè “KHÔNG CÓ GÌ QUÍ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO” phía trên hàng chữ “TRẠI CẢI TẠO A30”. Mỗi lần như thế, hắn lại hình dung ra cảnh tú bà cho treo trước cửa nhà chứa của mụ, cái băng trắng chữ đỏ “Chữ Trinh đáng giá ngàn vàng”

“Ngày như lá tháng như mây”, chỉ là với thế giới bên ngoài. Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Hắn thường bày tỏ rằng, nhờ Ơn Trên phù hộ hắn mới qua khỏi hơn 2500 cái “thiên thu tại ngoại”, để có ngày được “Cách mạng khoan hồng” cấp cho tờ “Giấy Ra trại”. Trên đường về với gia đình tận vùng Cao Nguyên, hắn phải ghé lại Nha Trang để chờ mua vé xe cho chặng đường cuối. Hắn đi lang thang để nhìn lại cảnh cũ người xưa nơi thành phố mà hắn đã qua nhiều thời kỳ gắn bó. Thuở nhỏ “du học”; lớn đi thi Tú Tài; mấy tháng học Không Trợ tại Trường Không Quân, và những lần “quá cảnh” trên đường đi đi về vê. Người thiếu nữ đầu tiên đi qua đời hắn cũng từ bãi thùy dương cát trắng này. Nha Trang đã là một phần đời hắn. 

Hắn đi ngang quầy bán thuốc lá lẻ bên lề đường Nguyễn Hoàng. Bỗng dưng hắn nhớ và thèm một điếu thuốc CAPSTAN ngày nào. Sau khi tính nhẩm và chắc chắn số tiền Trại cải tạo cấp cho theo tiêu chuẩn nhà nước làm “của ăn đi đường” còn đủ để mua được hai điếu thuốc lá Song Long (hắn biết giá thuốc vì Trại thỉnh thoảng có mua giùm cho những ai có tiền cần mua), hắn mạnh bạo tiến đến phía quầy bán thuốc. Đã gần bảy năm, nay hắn mới được thấy lại nụ cười chào khách của những người bán thuốc lá bên đường mà trước kia hắn thường gặp. Hắn hân hoan như vừa tìm lại được một điều gì quý hóa đã mất từ lâu lắm. Nhưng bỗng dưng hắn chưng hửng khi thấy mặt cô gái bỗng nhiên tối sầm lại và tỏ vẻ dửng dưng với khách. Hắn ngạc nhiên trước thái độ thay đổi đột ngột của cô gái. Hắn kiểm điểm lại mình, và đinh ninh mình không hề có cử chỉ khiếm nhã nào hay nói năng gì khác ngoài lời hỏi mua thuốc lá. Hắn sực nhớ lúc nãy cô gái có liếc mắt xuống đôi chân hắn. Hắn chợt thoáng “lý đoán” ra nguyên nhân. Nhìn thẳng vào mặt cô bán thuốc, với vẻ nghiêm trang, hắn nói: 

“Anh vừa từ trại Cải tạo ra, đang trên đường về, nên đành phải mang đôi dép này.”

Khi hắn vừa mới nói đến “Anh vừa từ trại cải tạo ra”, cặp mắt cô gái sáng lên và đôi má cô ửng hồng, nhếch lên để lộ ra cái núm đồng tiền. Hình như cô muốn nói điều gì mà không cất lên được. Cô luống cuống lấy trong hộc ra gói thuốc Hoa Mai còn nguyên rồi bằng hai tay đưa lên sát ngực hắn, với ánh mắt thương cảm trìu mến: 

“Anh cầm lấy, em biếu anh. Rất tiếc không còn thuốc trước 75.” 

Hắn đã bỏ hút thuốc từ lâu, nhưng vẫn nhớ mãi gói thuốc của ba mươi năm về trước. Mỗi tháng Tư về, hắn lại càng thấy món nợ hắn mắc mỗi to hơn. Không phải nợ cái gói thuốc lá cô gái biếu. Nhưng là nợ chính cuộc đời cô mà hắn đã không bảo vệ được. Để ít ra cô khỏi phải nhìn thấy những đôi dép Tháng Tư. 


danlambaovn.blogspot.com



Những cái nón cối đi qua đời tôi

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Nhiều thứ nón đã đi qua đời tôi, như Phớt, Trai, Nồi, Rừng, Trận, Nhựa, Sắt, Lá... nhưng Cối để lại trên đầu tôi nhiều dấu ấn nhất. "Hiện tượng" nhiều dấu ấn nhất về nón Cối, phải chăng cũng chỉ là lẽ tự nhiên, như nỗi lòng thiếu phụ nhớ lại mối tình đầu thuở trước, vì Cối là “người” đầu tiên đi qua đời tôi, hay vì đó là cái duyên nợ đã vận vào thân.

Ngày ấy, sau Chiến Thắng Điện Biên Phủ một thời gian không lâu, quê tôi, làng Yên Phú bên bờ Sông La, lần đầu tiên đón tiếp các chú Bộ đội Cụ Hồ về đóng quân tại nhà dân. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được thấy tận mắt cái nón cối.

“Chiến thắng Điện Biên, Bộ đội ta kéo quân trở về, giữa mùa hoa nở”. Nghe các chú ấy hát, tôi hình dung những cái nón cối nhấp nhô trên đường phố Hà Nội giữa tiếng reo hò của đồng bào Thủ Đô, thấy oai phong lẫm liệt hùng tráng làm sao; bây giờ hồi tưởng laị cảm xúc lúc ấy, và để diễn tả cho chính xác hơn, chắc phải mượn mấy chữ của Công tử Hà Đông, “cảm khái cách gì”.

Các chú bộ đội phân tán từng nhóm ba người, ở hẳn trong hầu hết nhà dân; nhà tôi không “được” vinh dự ấy,nhưng bù lại, nhà bác tôi bên cạnh là nơi tôi được gặp các chú hằng ngày.

Năm ấy tôi là đứa bé lên mười, nhưng có lẽ “nhờ” sớm thấm đòn máy bay Pháp thường xuyên đánh phá: nào phải đến trường giữa đêm khuya; nào ban ngày thì luôn trong tư thế chạy xuống hầm do anh em tôi đào dưới những gốc cây cổ thụ chung quanh vườn để tránh bom đạn; nào phải trải qua bao kinh hoàng khi nghe tiếng khu trục cơ gầm rú, tiếng bom nổ và những đám cháy ở làng trên xóm dưới và bên kia sông; nào lâu lâu phải chứng kiến xác người chết do máy bay trương sình đang lềnh bềnh trôi hoặc tấp vào bờ trông thấy mà rờn rợn..., nên chi sớm “giác ngộ” công ơn các chú bộ đội đã hy sinh xương máu, chiến đấu gian lao để xứ sở được hòa bình, mọi người trở lại sinh hoạt bình thường với đầy đủ quyền làm người như lời Bác Hồ mượn của ai ghi lại trong Tuyên Ngôn Độc Lập của nước ta.

Ngoài cái công ơn ấy, cách ăn ở của các chú bộ đội khiến bọn con nít có đứa nào lại không thích.Chú này làm cho con diều dấy; chú kia đẽo cho cái vụ gỗ; chiều chiều được các chú dắt ra tắm ngoài sông, đứa thì được tập bơi, đứa được các chú cho đứng trên vai nhảy cái ùm xuống nước. "Yêu ai yêu cả tông chi họ hàng", tôi yêu chú bộ đội, nên yêu luôn cái nón Cối.

“Tình yêu nón cối” của tôi đã không qua mắt mẹ tôì dù bà luôn đi sớm về tối với đôi quang gánh trên vai lo việc buôn bán nơi chợ bên kia sông,và bà đã đi chợ Huyện sắm cho hai anh em tôi mỗi đứa một cái nón Cối và một đôi dép Lốp (sau này được biết còn gọi là dép Bình Trị Thiên hay dép Râu). Cái món thời trang quý hiếm này, hai anh em tôi may mắn có sớm nhất trong làng khiến những đứa khác trầm trồ càng làm tôi hãnh diện, và thích đi đó đây ngoài... đường.

Nhưng rồi ngày vui qua mau. Làng bỗng xuất hiện một tốp người lạ cũng đội nón Cối mang dép râu, quần áo màu nâu và vai mang cái xắc cốt dây dài thượt... và không lâu sau đó dân làng người nhìn nhau xa lạ, kẻ nói nhau xầm xì, và những cuộc đấu tố... Bữa ăn cơm phải đóng kín cửa và nghe mẹ dặn "nay con phải gọi cá bằng cà, và thịt bằng dưa. Nhớ nha con, không thì chết cả nhà".

Đóng kín cửa lúc ăn cơm và ngụy trang tiếng gọi cho miếng thịt, gắp cá vẫn chưa đủ để khỏi chết cả nhà, nên thầy mẹ tôi đã giắt con cái trốn khỏi làng Yên Phú ra đi giữa đêm khuya. Trời sáng trăng, tôi nhìn sang nhà người bác và sợ các chú bộ đội thức giấc bắt gặp, trước khi lên được thuyền bà Ph. đang chờ ngoài bãi.

Tôi như con chim phải rời tổ bay đi, và đã tìm được chốn đất lành. Nhưng chẳng được bao lâu lại gặp “thuở trời đất nổi cơn gió bụi”. Những cái nón cối lại nhấp nhô trên đường mòn HCM. Tôi, cậu bé ngày nào mân mê cái nón cối giờ đã khôn lớn, ra trận đối đầu với đoàn quân “GPMN”, đầu óc lẫn vẩn với ý nghĩ biết đâu trong đó lại chẳng có chú bộ đội giải phóng Điện Biên một thời tôi quấn quýt.

Đội cái nón sắt made in USA trên đầu để tránh đạn AK, B,40, 41, đại pháo và hỏa tiển sản xuất từ Tiệp Khắc, Hung gia Lợi, Liên Xô... từ tay người anh em với cái nón Cối chế tạo tại Trung Quốc chụp trên đầu, đã nhiều lần tôi thèm được trở lại cậu bé năm xưa tránh bom đạn giặc Pháp bằng cách chạy xuống hầm dưới gốc cây...

Quy luật của chiến tranh là chỉ có chiến thắng trong thế công. Trong cuộc “hai mươi năm nội chiến từng ngày” trong kho tàng “Gia tài của Mẹ” vừa qua, Nón Sắt luôn ở thế thủ, nên đã thua nón Cối. Trong nhiều năm làm “Tù Binh Ngụy”, rồi đổi tên thành “Phạm Nhân”, rồi “Trại Viên”, đã bao lần tôi nhận “được” từ dưới cái nón Cối những ánh mắt gầm gừ vì đủ thứ “tội” như đói quá “cải thiện linh tinh” mấy cọng rau rừng chưa kịp nuốt khỏi cổ họng, nhưng tôi vẫn không chút ân hận trước kia mình đối xử tử tế với cán binh nón Cối từ Bắc vào bị bắt làm tù binh, mặc dầu trong trận đánh họ đã gây cho chúng tôi nhiều tổn thất sinh mạng.

Nón Cối đã đi qua đời tôi nhiều vô kể xiết. Nhưng nay giặc Tàu bên cạnh nguy hiểm hơn giặc Tây giặc Mỹ nhiều, các chú biến đi đâu cả. Chỉ thấy mấy chú đầu tóc chải láng bóng kéo nhau đi phủ phục phương bắc và hứa hẹn “hướng dẫn dư luận nhân dân Việt Nam để ổn định; và trong nước thì nón Cối của “chiến thắng Điện Biên, Bộ đội ta kéo quân trở về giữa mùa hoa nở” bị dấu nhẹm tông tích, kể cả Đại tướng họ Võ cũng chẳng còn Nguyên manh Giáp . thay bằng Băng Đỏ Dân Phòng, hay gậy gộc côn đồ để “giữ gìn hoà bình cho thủ đô”, cho cho trùm băng đảng nhi nhô “bốn tốt” với “16 chữ vàng”. Hay chính các chú cũng đã bị rút ruột như ruột tượng đài chiến sĩ Điện Biên. Ruột Việt Nam?

Tưởng “được” như thế cũng còn may còn may: dè đâu nay nón cối bộ đội cụ Hồ lại nhấp nhô giữa liên quân “giải phóng mặt bằng”, cưỡng chế ao hồ, dành đất người chết, giải toả họ đạo, san bằng nhà thờ , như các vụ Tiên Lãng, Cồn Dầu, Đồng Chiêm, Thái Hà ...

Ôi tội nghiệp cho những cái nón cối quá :mấy chục năm trời lận đận; vinh thì ít mà nhục thì nhiều nhiều. Không ít người dân Việt nhớ lại cái nón cối thời Tây thuộc điạ mà “bỗng dưng muốn khóc”.




Nguyễn Bá Chổi
danlambaovn.blogspot.com


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo