Nô lệ! - Dân Làm Báo

Nô lệ!

Nguyên Thạch (Danlambao)Nhân loại đã bước vào thế kỷ 21 văn minh mà Cộng Hòa XHCN Việt Nam vẫn chưa có một Hội Liên Hiệp đấu tranh cho Dân Chủ và Nhân Quyền được chính thức công nhận, chưa có một tờ báo đối lập với nhà nước nào được chính thức hoạt động, mà toàn quốc trên 800 hệ thống báo đài, TV, trang mạng với một Tổng biên tập duy nhất là Ban tư tưởng trung ương ĐCSVN, và đó là những điều chứng minh hùng hồn rằng ĐCSVN là một tập đoàn chuyên quyền man rợ và thấp kém nhất...


Thứ quí nhất trên đời là sự Tự Do, nỗi nhục nhất trong cuộc đời là Nô Lệ. Cuộc sống sẽ không có ý nghĩa gì nếu con người phải sống trong nô lệ. 
Hồ Chí Minh đã có dịp đi nhiều nơi trên thế giới và cho dù có ngờ nghệch đến đâu đi nữa thì ông ta đã thấy được những thể hiện dân chủ và có lẽ ông cũng hiểu được phần ít nhiều thế nào là dân chủ. Với Hồ Chí Minh và những người cộng sản, chuyện họ thấy, nói và thực hiện dân chủ là 2 vấn đề khác nhau, thậm chí hoàn toàn khác biệt như đen với trắng. 

- Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền:

Đây là tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại Palais de Chaillot ở Paris, Pháp. Bản Tuyên ngôn đã được dịch ra ít nhất 375 ngôn ngữ. Tuyên bố phát sinh trực tiếp từ những kinh nghiệm của Chiến tranh thế giới thứ hai và là tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên trên thế giới, trong đó liệt kê các quyền cơ bản mà mọi cá nhân, được hưởng, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh, hay tất cả những hoàn cảnh khác (điều 2). Nó bao gồm 30 điều đã được xây dựng trong các Thỏa ước quốc tế, thỏa ước nhân quyền khu vực, hiến pháp và luật pháp quốc gia. Bộ luật Nhân quyền Quốc tế bao gồm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị cùng hai Nghị định thư không bắt buộc I và II. Năm 1966, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua hai Công ước trên, qua đó hoàn thành cơ bản Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế. 

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi quốc gia và mọi dân tộc. Tinh thần của bản Tuyên ngôn là dùng truyền đạt và giáo dục để nỗ lực thúc đẩy các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tôn trọng các quyền con người cơ bản được đưa ra trong Tuyên ngôn. 

Điều khoản cuối cùng thuộc về bản Tuyên ngôn có viết "Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này". (1) 

- Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Ngày 4/7/1776, bản Tuyên ngôn độc lập của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ ra đời. Đây là văn bản chính trị có ý nghĩa lịch sử tuyên bố 13 bang thuộc địa Bắc Mỹ ly khai khỏi Vương quốc Anh. Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ do Tổng thống Thomas Jefferson soạn thảo được tuyên bố ngày 4/7/1776. 

"Tất cả mọi con người đã được dựng nên bình đẳng; (họ) đã được Tạo Hóa ban cho những quyền bất khả xâm phạm; trong những quyền đó có quyền sinh sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". (2) 


Ý tưởng thứ nhì mang tính quan trọng nòng cốt trong bản văn là tư tưởng chống độc tài, tàn ác. Và để bảo vệ các quyền tối thượng của con người, thể theo nguyện vọng của toàn dân, các thuộc địa Anh tại Châu Mỹ long trọng tuyên bố trở thành những tiểu bang Tự Do và Độc Lập. 

- Tuyên ngôn độc lập (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa)

"Hỡi đồng bào cả nước, 

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.” (3) Không như những nhân vật khả kính khác "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". 

Hồ Chí Minh cũng học đòi nói như vậy chứ không phải vậy, mà thực chất chỉ là một tên điếm thúi, nói có vẻ hay nhưng những gì ông ta làm thì hoàn toàn ngược lại. 

Qua các bản tuyên ngôn điển hình trên, người Anh, người Pháp họ nói lời và giữ lấy lời. Người Mỹ qua lưỡng viện Quốc Hội họ tuyên bố và họ nghiêm chỉnh thực hiện những gì mà họ cho là lý tưởng của người dân và cuộc sống. 

Hồ Chí Minh cùng đảng cộng sản Việt Nam cũng có những tuyên ngôn tương tự và thậm chí copy câu nói có ý nghĩa nhất là: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Nhưng Hồ Chí Minh tuyên bố và Hồ Chí Minh thực hành là hai vấn đề khác nhau. Đảng cộng sản nói và đảng cộng sản làm cũng vậy, nghĩa là cộng sản nói một đàng, làm một nẻo và nhất là họ không bao giờ tôn trọng những gì mà họ đã ký kết với dân và ngay cả với quốc tế, những chữ ký của cộng sản chẳng là cái "nghĩa địa" gì cả. Cho nên cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã để lại đời một câu không hề sai trật "Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm". 

Từ nguyên căn ấy, tráo trở và lật lọng được coi như bản chất của bọn cộng sản. Họ đánh đuổi Thực dân, Đế quốc để thay vào đó là những gì còn tệ hơn thực dân. Hãy đơn cử thí dụ là dưới thời thời thực dân:

Nhìn lại vụ án tranh chấp đất đai lớn thời Pháp thuộc và một phiên tòa chính nghĩa (4): Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án Nọc Nạng ngày 17 tháng 8 năm 1928. Chánh án là De Rozario, công tố viên là Moreau, Hội thẩm là ông Sự. Các luật sư biện hộ (miễn phí) cho gia đình Biện Toại là người Pháp, Tricon và Zévaco, theo lời nhờ của nhà báo Lê Trung Nghĩa. 

Trước khi buộc tội, công tố viên Moreau đề nghị tòa thận trọng, nhắc lại vụ án Ninh Thạnh Lợi năm 1927. Ông cho rằng vụ này chứng tỏ bất ổn xã hội về đất đai đang gia tăng hết sức nghiêm trọng. Ông nói tình cảnh của gia đình Biện Toại rất đáng thương: bị những kẻ không có trái tim (hommes sans coeur) đến cướp đất, rồi bọn có quyền thế tiếp tay với bọn cường hào. Ông đề nghị tòa tha bổng Biện Toại, cô Liễu (em Biện Toại) và con là Tia, giảm nhẹ cho cô Trong và Miều (em rể Biện Toại, chồng Liễu). 

Ngay như bản thân Hồ Chí Minh cũng như những sắc dân khác trên nước Pháp vẫn có quyền thành lập ra các Hội Liên hiệp thuộc địa và những tờ báo đối lập với chính quyền sở tại để gióng lên những yêu sách cùng tiếng nói đối kháng mà Le Paria “Người cùng khổ” là tờ báo đấu tranh của người dân ở các nước thuộc địa. 

Vào tháng 1/1922, để xây dựng một diễn đàn của nhân dân các nước thuộc địa và tạo ra một hình thức đấu tranh mới, Nguyễn Ái Quốc và Ban thường vụ Hội Liên hiệp thuộc địa đã thống nhất quyết định thành lập “Hội hợp tác Người cùng khổ” và ra tờ báo “Người cùng khổ” hay "Le Paria". Ngày 1/4/1922 báo ra số đầu tiên bằng ba thứ tiếng Pháp, Ả rập và Trung Quốc. Đầu tiên báo lấy tiêu đề “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa”, sau đổi là “Diễn đàn của vô sản thuộc địa”, rồi sau lại đổi là “Cơ quan của nhân dân bị áp bức các thuộc địa”. Đây là lần đầu tiên nhân dân của nhiều nước thuộc địa khác nhau có một tổ chức và một tiếng nói đấu tranh chung. 


"Tờ Le Paria tồn tại đến tháng 4-1926, tổng cộng ra được 38 số. Với nội dung chống chủ nghĩa thực dân, kêu gọi đoàn kết các dân tộc thuộc địa, đặc biệt là với nhiều bài viết đặc sắc của Nguyễn Ái Quốc, việc xuất bản Le Paria “là một vố đánh vào thực dân”. Tờ Le Paria được bí mật chuyển về Đông Dương và các thuộc địa thực sự đã làm tròn mục tiêu tôn chỉ của tờ báo là “vũ khí chiến đấu với sứ mạng đã rõ ràng là giải phóng con người” (Lời kêu gọi nhân báo ra số đầu)." (5) 

Trong khi đó hôm nay nhân loại đã bước vào thế kỷ 21 văn minh mà Cộng Hòa XHCN Việt Nam vẫn chưa có một Hội Liên Hiệp đấu tranh cho Dân Chủ và Nhân Quyền được chính thức công nhận. Nhà cầm quyền độc tài CSVN vẫn xem tổ chức của các Xã hội dân sự (XHDS) là bất hợp pháp nên họ đặt các tổ chức này ngoài vòng pháp luật. Chưa có một tờ báo đối lập với nhà nước nào được chính thức hoạt động, mà toàn quốc trên 800 hệ thống báo đài, TV, trang mạng với một Tổng biên tập duy nhất là Ban tư tưởng trung ương ĐCSVN, và đó là những điều chứng minh hùng hồn rằng ĐCSVN là một tập đoàn chuyên quyền lạc hậu và thấp kém nhất. 

Chẳng những ĐCSVN thấp kém, mà họ còn là một bọn hèn nhát, ti tiện dù rằng chúng có hơn 3 triệu 500.000 đảng viên cùng hệ thống "lá chắn" chuyên chính bạo lực với xe tăng, hỏa tiển, cùm gông và nhà tù nhưng chúng vẫn run sợ những tiếng nói từ những nhà đấu tranh mà trong tay không một tấc sắt như: Trần Huỳnh Duy Thức, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Trần Anh Kim, Vi Đức Hồi, Cấn Thị Thêu, Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Đoan Trang... cùng vô số người dân yêu nước khác mà không hề có luật sư biện hộ độc lập. 

Hồ Chí Minh tuy chỉ là một "công dân hạng 2" nhưng những công dân hạng 2 này đã được chính phủ Pháp cho phép có những đòi hỏi, yêu sách... Ngược lại, ở đất nước của ông, những công dân hạng 1 sinh ra và lớn lên nơi đây, những người làm chủ đất nước này lại không có cái quyền thể hiện Dân Chủ và Nhân Quyền không có quyền nói lên những điều mà đại đa số dân chúng mong muốn!. 

Họ tráo trở một cách trắng trợn là "Tòa án xử công khai" nhưng không cho công chúng tham dự cũng như bị ngăn cấm bởi hàng rào côn an mật vụ dầy đặc. Hầu hết những vụ xử án đều xử qua loa. Hệ thống tòa án của nước CHXHCNVN là những bản án định sẵn bất luận sự biện hộ, trưng dẫn chứng cớ của bị cáo là như thế nào. 

Người cộng sản làm dữ nên luôn lo xa, họ luôn lấp liếm, áp đặt và vu khống cho dân chúng là "Thế lực phản động", "Lật đổ chính quyền nhân dân" cho những người gióng lên tiếng báo động trước bao nghịch lý của đảng cầm quyền, của một xã hội mục ruỗng là "diễn biến hòa bình" để khỏa lấp cho vô số tội ác mà chúng đã gây nên, mà trong đó có những chuyện đưa đất nước đến khánh tận, qui hàng giặc ngoại bang, ngầm dâng hiến đất liền, biển đảo cũng như bán đứng dân tộc vào vòng nô lệ cho Tàu Cộng. 

17.03.2018



__________________________________

Chú thích







Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo